Trong thời đại số hóa hiện nay, các sàn thương mại điện tử đã trở thành kênh bán hàng quan trọng cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng bán phá giá tràn lan trên các nền tảng này đang là một vấn đề nan giải. Bán phá giá không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chính thống mà còn làm giảm giá trị của sản phẩm và dịch vụ, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Bài viết này sẽ đưa ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp ngăn chặn hoặc hạn chế ảnh hưởng của việc bán phá giá trên sàn thương mại điện tử.
Thực trạng bán phá giá trên các sàn thương mại điện tử hiện nay
Bán phá giá, hay còn gọi là "dumping", đang trở thành một vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo, người tiêu dùng ngày càng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm có giá thấp hơn so với thị trường truyền thống. Tuy nhiên, đi kèm với đó là tình trạng bán phá giá tràn lan, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nhiều thương hiệu lớn đã bị ảnh hưởng bởi vấn nạn này. Ví dụ như Zara thường xuyên đối mặt với tình trạng sản phẩm của họ bị bán phá giá trên các sàn TMĐT. Nhiều gian hàng không chính thống bán các sản phẩm giả mạo với giá rất rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của thương hiệu. Apple cũng gặp vấn đề tương tự khi các sản phẩm như iPhone, iPad, và phụ kiện bị bán phá giá trên nhiều sàn TMĐT. Những sản phẩm này thường là hàng nhái hoặc hàng cũ được tân trang lại, gây thiệt hại cho doanh số của các cửa hàng Apple chính hãng.
Nhiều thương hiệu mỹ phẩm cao cấp như L'Oréal, Estée Lauder, và Shiseido bị ảnh hưởng bởi việc bán phá giá. Các sản phẩm mỹ phẩm giả mạo và không rõ nguồn gốc được bán với giá rẻ trên các sàn TMĐT, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Không chỉ các ông lớn, nhiều thương hiệu vừa và nhỏ hoặc các đại lý phân phối chính hãng cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh giá cả không lành mạnh này khi trên các sàn có quá nhiều shop hàng giả, hàng nhái, hàng xách tay không rõ nguồn gốc mang tên cùng một thương hiệu và có giá quá chênh lệch so với giá của gian hàng chính hãng.
Thêm nữa, một số phiên livestream của KOC/KOL với loạt deal giảm giá quá sâu so với giá bán hàng ngày ở các kênh khác cũng đã làm dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi.
Điển hình là phiên live sóng gió của KOL Võ Hà Linh với nhãn hàng Dược Hoa Linh nhận về cơn bão đánh giá "1 sao". Được biết nguyên nhân của sự việc này đến từ clip giới thiệu cho phiên livestream 4/4 của Võ Hà Linh. Trong clip này, YouTuber này cho biết nhãn hàng Nguyên Xuân (thuộc Dược phẩm Hoa Linh), dầu gội đầu xanh chỉ 18 “cành”, dầu gội đầu nâu chỉ 11 “cành”. Trong khi đó, thực tế giá của sản phẩm này tại các kênh phân phối chính thức của hãng như: Shopee Mall, hiệu thuốc, đại lý bán lẻ... dao động từ 76-102k.
Ngay sau đó, cả Hà Linh và Dược phẩm Hoa Linh nhận phải làn sóng phản đối từ cư dân mạng, đặc biệt là phía đại lý và nhà thuốc. Bởi lẽ họ bị khách hàng mắng vốn rằng bán giá quá cao. Dù cả 2 bên đã nhanh chóng đưa ra phản hồi rằng đó chỉ là số lượng khuyến mãi nhỏ để đem đến cơ hội trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng, nhưng dư luận vẫn không được xoa dịu, đặc biệt là phía các đại lý và nhà thuốc. Tuy đúng sai khó nói nhưng vụ việc này cũng cho thấy việc bán phá giá là vấn đề vô cùng nhạy cảm với cả thương hiệu và các đơn vị phân phối sản phẩm.
Ông Phạm Sỹ Lợi, chuyên gia đào tạo livestream cho rằng, để tạo một sân chơi công bằng hơn cho người bán và nhà sáng tạo nội dung thì cần có sự tham gia của các nhãn hàng và một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Nếu các nhãn hàng chỉ đưa những chiết khấu khủng cho KOC nổi tiếng thì người tiêu dùng sẽ dồn cơ hội mua hàng vào những phiên livestream này vô hình chung tước đi cơ hội bán hàng của rất nhiều những KOC nhỏ. Nếu việc này cứ tiếp tục thì sẽ không còn khuyến khích được sự tham gia của nhiều ngươi bán do sự cạnh tranh về giá và giảm sức hút vào nền tảng.
"Với phiên livestream lớn, các nhãn hàng tặng khách hàng nhiều voucher lớn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng phá giá trên thị trường. Và ảnh hưởng trực tiếp đến người kinh doanh, đại lý và các chủ cửa hàng nhỏ" - ông Phạm Sỹ Lợi chia sẻ và cho rằng, thực tế hiện nay nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa bằng các voucher, mã khuyến mại giảm giá trên thương mại điện tử và không còn mặn mà với hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống.
Vì sao lại có tình trạng bán phá giá trên các sàn TMĐT?
Cạnh tranh khốc liệt
Cạnh tranh trên các sàn TMĐT rất gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường mở rộng và nhiều nhà bán lẻ tham gia. Để giành giật khách hàng, nhiều nhà bán lẻ sẵn sàng hạ giá sản phẩm đến mức không tưởng. Điều này đặc biệt phổ biến trong các lĩnh vực có biên lợi nhuận thấp, như thời trang hay điện tử tiêu dùng. Khi một nhà bán lẻ hạ giá, các đối thủ cạnh tranh cũng phải theo để không mất khách hàng, tạo ra một vòng xoáy giảm giá không hồi kết.
Chính sách giá linh hoạt
Nhiều sàn TMĐT cho phép người bán tự do điều chỉnh giá cả mà không có sự giám sát hoặc kiểm soát chặt chẽ. Điều này tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ dễ dàng hạ giá để cạnh tranh, nhưng lại không có cơ chế ngăn chặn việc bán phá giá. Các chính sách này thường thiếu các biện pháp bảo vệ để đảm bảo giá bán không bị hạ quá thấp, dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm được bán với giá không bền vững.
Hàng tồn kho
Để giải phóng hàng tồn kho hoặc các sản phẩm gần hết hạn sử dụng, nhiều nhà bán lẻ chấp nhận hạ giá mạnh. Đây là một chiến lược phổ biến để giảm thiểu lỗ và tạo không gian cho hàng mới. Tuy nhiên, khi hàng tồn kho được bán với giá quá thấp, nó tạo ra một chuẩn giá không thực tế trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị sản phẩm và kỳ vọng của người tiêu dùng.
Công cụ so sánh giá
Các công cụ so sánh giá trên sàn TMĐT giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm có giá thấp nhất. Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ liên tục hạ giá để xuất hiện ở vị trí cao trong kết quả tìm kiếm. Mặc dù mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng nó lại tạo áp lực lên nhà bán lẻ phải cạnh tranh bằng giá, dẫn đến tình trạng bán phá giá.
Hàng giả, hàng nhái
Sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái với giá rẻ trên các sàn TMĐT làm ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp bán hàng chính hãng. Những sản phẩm kém chất lượng này thường được bán với giá rất thấp, khiến người tiêu dùng khó phân biệt và lựa chọn hàng thật. Điều này không chỉ làm giảm uy tín của sản phẩm chính hãng mà còn gây ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh.
Áp lực từ nhà đầu tư
Nhiều doanh nghiệp chịu áp lực từ nhà đầu tư để đạt được các chỉ tiêu doanh số và tăng trưởng nhanh chóng. Để đáp ứng kỳ vọng này, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá sản phẩm để tăng nhanh số lượng bán ra. Mặc dù chiến lược này có thể mang lại kết quả ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó không bền vững và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Thiếu hiểu biết về thị trường
Một số nhà bán lẻ mới tham gia thị trường chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm về quy luật cung cầu và giá trị thực của sản phẩm. Điều này dẫn đến việc họ đặt giá bán thấp hơn so với giá trị thực tế của sản phẩm, gây ra tình trạng phá giá. Sự thiếu hiểu biết này không chỉ làm tổn hại đến nhà bán lẻ mà còn làm rối loạn thị trường.
"Kẽ hở" hàng nhập giá rẻ
Do "kẽ hở” từ các mặt hàng nhập lậu, trốn thuế, miễn thuế (với giá trị nhỏ) được bán tràn lan với giá rẻ qua kênh trực tuyến hoặc bán phá giá trên thị trường mà các nhà bán hàng nội địa lại càng gặp khó khăn hơn trong cuộc chiến giá cả.
Hậu Quả Của Tình Trạng Bán Phá Giá
Bán phá giá làm giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp chính thống, đồng thời gây khó khăn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Tình trạng này làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Họ có thể mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, dẫn đến sự hoài nghi và e ngại.
Bán phá giá tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, gây ra sự bất bình đẳng và thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp.
Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng bán phá giá trên sàn?
Hãy cùng tìm hiểu về một số giải pháp ngăn chặn tình trạng bán phá giá trên sàn thông qua casestudy vận hành sàn Shopee mà UpBase triển khai cho nhãn hàng Nature's Way.
Phủ sóng top kết quả tìm kiếm
Khi người dùng tìm kiếm một sản phẩm trên sàn, các top kết quả tìm kiếm bao giờ cũng thu hút sự chú ý của họ đầu tiên. Nếu top tìm kiếm đều là các gian hàng bán phá giá thì người dùng sẽ có sự so sánh với các kết quả hiện lên phía sau và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Do vậy, việc tối ưu gian hàng và phủ sóng top kết quả tìm kiếm là vô cùng quan trọng.
Thương hiệu nên xây dựng nhiều gian hàng phân phối và bán cùng một sản phẩm. Việc này sẽ giúp đảm bảo phủ sóng kết quả tìm kiếm và giúp người mua tiếp cận được mức giá chính xác, hạn chế các kết quả tìm kiếm bán phá giá, giúp dễ dàng lựa chọn đúng sản phẩm chính hãng khi so sánh giá các sản phẩm.
UpBase đã giúp thương hiệu Nature's Way xây dựng nhiều gian hàng phân phối và bán cùng sản phẩm là gian Sun Warehouse, Nature's Way, Nhà thuốc 365,...
Xây dựng gian hàng chính hãng uy tín
Doanh nghiệp cần giúp người mua phân biệt được rõ gian hàng chính hãng với các gian hàng trôi nổi khác. Bởi ngoài yếu tố giá cả thì người mua cũng sẽ so sánh độ uy tín của gian hàng thông qua lượt bán, lượt đánh giá, tag Mall,... Do đó việc đầu tư phát triển gian hàng chính hãng và xây dựng thương hiệu để khẳng định uy tín là vô cùng quan trọng.
Đồng nhất chương trình ưu đãi, giảm giá với các đại lý
UpBase đưa ra chiến lược đồng nhất mức giá và các chương trình ưu đãi theo chiến dịch giữa kênh bán trên thương mại điện tử và hệ thống phân phối sản phẩm của Nature's Way. Việc này giúp tăng uy tín thương hiệu và nhà phân phối trong lòng người tiêu dùng, tránh xung đột và thắc mắc, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. Đồng thời, người mua có thể hưởng ưu đãi ngay tại các cơ sở phân phối, góp phần tăng doanh số.
Thu hút khách hàng bằng thương hiệu và sản phẩm chứ không phải vì giá cả
Nature's Way duy trì thực hiện chiến lược tăng cường nhận diện thương hiệu và uy tín sản phẩm mà không phụ thuộc vào việc giảm giá để thu hút khách hàng. Các biện pháp được triển khai nhằm xây dựng một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và đáng tin cậy trong lòng người tiêu dùng.
Các hoạt động cụ thể bao gồm:
- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.
- Tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới, thu hút sự chú ý của công chúng.
- Hợp tác với các người nổi tiếng và influencer để gia tăng độ phủ sóng và uy tín của thương hiệu.
- Chú trọng vào chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của người tiêu dùng.
- Tạo dựng lòng tin bằng cách cung cấp thông tin minh bạch và chính xác về sản phẩm.
- Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc khách hàng và hậu mãi để tạo sự an tâm cho người mua.
Những hình ảnh minh họa trong chiến dịch đã cho thấy sự đa dạng trong các hoạt động quảng bá sản phẩm của Nature's Way. Từ việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới, cho đến việc hợp tác với các người nổi tiếng, tất cả đều nhằm mục tiêu gia tăng độ phủ sóng và uy tín của thương hiệu.
Những nỗ lực này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, khi nhu cầu và sự tin dùng của người tiêu dùng đối với sản phẩm của Nature's Way ngày càng tăng cao. Thay vì dựa vào việc giảm giá để thu hút khách hàng, Nature's Way đã thành công khiến khách hàng tìm đến mình vì thương hiệu và sản phẩm.
Tổng kết
Trên đây là một số phân tích của UpBase về vấn nạn bán phá giá trên các sàn thương mại điện tử cũng như một số giải pháp đề xuất thông qua casestudy vận hành sàn cho thương hiệu Nature's Way. Doanh nghiệp gặp vấn đề tương tự hãy liên hệ ngay cho UpBase để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng!