Việc chạy quảng cáo tốn tiền mà không ra đơn là một vấn đề nhức nhối mà hầu hết các nhà bán hàng đều gặp phải. Vậy giải pháp của vấn đề này là gì? UpBase đã đúc kết kinh nghiệm thực chiến vận hành gian hàng để tới người đọc. Mong rằng có thể giúp các nhà bán hàng giải quyết được những vấn đề này.
Nguyên nhân khiến quảng cáo Shopee không ra đơn
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc chạy quảng cáo nhưng không mang lại chuyển đổi. Có thể kể đến như:
- Sản phẩm không phù hợp: Việc lựa chọn sản phẩm để chạy quảng cáo vô cùng quan trọng, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quảng cáo, cũng như chi phí và lợi nhuận mang lại.
- Lựa chọn từ khoá không phù hợp: Việc lựa chọn từ khóa không liên quan đến sản phẩm sẽ làm cho giá thầu của từ khóa tăng cao mà khi khách hàng tìm kiếm hiển thị ra sản phẩm không đúng với nhu cầu thì khách hàng cũng sẽ không mua.
- Không tối ưu sản phẩm trước khi chạy quảng cáo: Gian hàng và sản phẩm là 2 thứ hiển thị trực tiếp tới khách hàng. Cũng tương tự như cửa hàng offline, nhà bán hàng cũng cần trang trí cho gian hàng thật bắt mắt và thu hút khách hàng để tăng tỷ lệ ra đơn.
- Giá thầu không phù hợp: Giá thầu quá cao với ngân sách quảng cáo hàng ngày thấp là một sai lầm rất phổ biến.Nếu shop muốn chạy ngân sách 100.000đ trong 1 ngày. Giá thầu là 5.000đ/ click. Như vậy thì khi đật số lượng 20 click quảng cáo sẽ dừng. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, sản phẩm sẽ không được phân bổ tiếp cận người dùng. Ngược lại, giá thầu quá thấp so với những đối thủ cạnh tranh sử dụng cùng một từ khoá thì quảng cáo sẽ không được tối ưu.
- Loại hình quảng cáo không phù hợp: Rất nhiều nhà bán hàng mặc định quảng cáo Shopee chỉ có 1 loại duy nhất là đấu thầu từ khóa. Tuy nhiên các chủ shop nên phân bổ ngân sách và kết hợp các loại hình khác nhau để tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng.
Cách khắc phục chạy quảng cáo Shopee không ra đơn
Dưới đây là một số lưu ý các nhà bán hàng cần biết để khắc phục việc chạy quảng cáo Shopee không ra đơn:
1. Kiểm tra lại sản phẩm
Đảm bảo sản phẩm của bạn đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Sau khi xem quảng cáo sản phẩm, người mua có thể sẽ so sánh giá sản phẩm của bạn với những sản phẩm tương tự được bán bởi những người bán khác trên Shopee. Bạn nên thường xuyên kiểm tra giá của sản phẩm và duy trì mức giá cạnh tranh nhất có thể.
2. Tối ưu từ khoá
Chọn từ khóa liên quan đến sản phẩm, có lượt tìm kiếm cao, cạnh tranh thấp. Nhà bán hàng có thể đấu thầu các từ khóa trên Shopee, đặc biệt là các từ khóa liên quan nhiều đến sản phẩm mà mình đang cung ứng. Theo đó, Quảng cáo sẽ đẩy mặt hàng đầu hoặc những vị trí dễ nhìn thấy và lựa chọn nhất. Từ khoá quảng cáo càng liên quan trực tiếp đến sản phẩm, nhu cầu của người mua đối với sản phẩm, giúp người dùng tìm thấy sản phẩm họ cần sẽ giúp tăng tỷ lệ chốt đơn của khách hàng khi click.
3. Tối ưu giá thầu
Tìm ra mức giá thầu phù hợp để quảng cáo của bạn được hiển thị ở vị trí cao mà vẫn tiết kiệm chi phí. Nếu bạn có ngân sách là 500.000đ/ngày nhưng giá thầu lên với 10.000đ/click, quảng cáo mới chạy được tới được nửa ngày đã hết ngân sách và dừng lại. Nửa ngày còn lại quảng cáo không được hiển thị và chắc chắn sẽ bỏ qua lượng khách hàng tiềm năng. Chính vì thế nhà bán hàng cần cân đối sao cho quảng cáo được hiển thị xuyên suốt 24h với mức giá thầu hợp lý quảng cáo sẽ được hiển thị ở vị trí tối ưu và tiết kiệm được ngân sách quảng cáo. Có 2 cách giúp nhà bán hàng tối ưu được giá thầu quảng cáo Shopee hiệu quả:
- Set giá thầu ở mức thấp nhất và nâng giá thầu dần lên đến khi đạt được vị trí phù hợp thì dừng lại.
- Liên tục theo dõi và tối ưu giá thầu của từng từ khóa để sản phẩm để luôn giữ được vị trí quảng cáo tốt theo mong muốn.
Đối với từ khoá có lượt xem nhỏ hoặc bằng 0, tăng giá thầu để cải thiện thứ hạng (nên tăng từng chút, khoảng 20% một lần). Nếu đã tăng lên mức cao khoảng 1.500đ mà vẫn chưa có lượt xem, nên chuyển từ khóa đó qua từ khóa mở rộng. Cài giá thầu về 1.000đ rồi tiếp tục theo dõi, khi bắt đầu có lượt xem mà đắt quá thì sẽ giảm giá thầu về dần mức tối thiểu 400đ.
4. Xây dựng chiến lược quảng cáo hiệu quả
Xác định rõ mục tiêu quảng cáo, phân tích đối tượng khách hàng mục tiêu là tăng hiển thị hay tăng chuyển đổi. Từ đó đưa ra chân dung khách hàng mục tiêu cụ thể: Độ tuổi, thu nhập, sở thích, hành vi để cài đặt quảng cáo.
Cách chạy quảng cáo Shopee hiệu quả là lựa chọn từ khóa phù hợp ngân sách, dựa vào sản phẩm bạn bán và hành vi tìm kiếm của khách hàng mục tiêu. Nếu ngân sách chi cho quảng cáo là tương đối thoải mái, bạn có thể lựa chọn loại Từ khóa phổ biến để mở rộng tệp khách hàng (lượng tìm kiếm và giá thầu cao).
5. Chạy test sản phẩm
Dù bạn đã có chiến lược rõ ràng cụ thể cho sản phẩm của mình, setup gian hàng chuẩn nhưng cũng không thể chắc chắn 100% rằng quảng cáo Shopee của bạn sẽ đạt hiệu quả cao. Vì vậy, hãy test thử quảng cáo trước khi vít ngân sách lớn để đảm bảo rằng bạn không bị lãng phí ngân sách.
6. Tối ưu hình ảnh và video quảng cáo
Như đã nhắc đến trong phần nguyên nhân, để quảng cáo Shopee đạt hiệu quả cao, hình ảnh và video quảng cáo cần thu hút, thể hiện được đặc điểm nổi bật của sản phẩm.
Khi mua sắm online, khách hàng không thể trực tiếp trải nghiệm sản phẩm và chỉ cảm nhận thông qua hình ảnh mà nhà bán hàng cung cấp. Vì vậy nên đây là yếu tố quan trọng bước đầu thu hút được sự chú ý của khách hàng.
Đối với gian hàng trên Shopee ngoài hình ảnh mẫu (thường các bạn lấy trên mạng) hãy cung cấp thêm ảnh thật cho khách hàng càng chi tiết càng tốt, thể hiện nhiều góc quay, góc chụp để khách hàng dễ dàng hình dung từ đó mà tăng thêm cảm xúc cho họ.
7. Theo dõi và tối ưu quảng cáo thường xuyên
Theo dõi hiệu suất Quảng cáo thông qua các số liệu có thể đo lường được như Số lượt xem, Tỷ lệ Click, Lượt chuyển đổi và Tỷ suất hoàn vốn (= Doanh thu/Chi phí). Nếu bạn chạy quảng cáo lần đầu, hãy chờ ít nhất 2 tuần trước khi tải báo cáo về để có dữ liệu đầy đủ và thiết thực. Shopee khuyến khích bạn hạn chế điều chỉnh quảng cáo trong 2 tuần đầu tiên.
Kiểm tra hiệu quả quảng cáo ít nhất 1 lần 1 ngày. Sau 2 tuần, bạn có thể kiểm tra thường xuyên hơn để điều chỉnh nếu quảng cáo không hoạt động theo mong đợi và tối ưu hóa quảng cáo của bạn.
Bán hàng trên Shopee hiện được xem là một môi trường kinh doanh tiềm năng cho nhiều nhà bán lẻ. Đặc biệt hơn nếu kinh doanh đa kênh, đa sàn TMĐT để mở rộng doanh thu. Tuy nhiên, cốt lõi của việc người mua có ủng hộ thương hiệu của bạn hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng sản phẩm và giá trị mà thương hiệu mang lại. Vì vậy, các nhà bán hàng không nên quá phụ thuộc vào quảng cáo mà quên đi việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm.