Nguyễn Công Phúc

Tác giả

Nguyễn Công Phúc

A-Z thông tin về chiến lược kinh doanh nhà quản trị cần nắm rõ

8/23/2024

0

A-Z thông tin về chiến lược kinh doanh nhà quản trị cần nắm rõ

Chiến lược kinh doanh là “kim chỉ nam” chỉ đường cho hướng đi để đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp. Nhà quản trị cần hiểu rõ và xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp của mình. Cùng UpBase tìm hiểu A-Z thông tin về chiến lược kinh doanh trong bài viết dưới đây!

Chiến lược kinh doanh là gì?

Chiến lược kinh doanh là gì?

Chiến lược kinh doanh là “bộ não”, là “bản đồ đường đi” dài hạn của doanh nghiệp, chỉ ra hướng đi và cách thức để đạt được mục tiêu đã định. Chiến lược kinh doanh là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Thông qua chiến lược tổng thể, từng bộ phận/phòng ban trong doanh nghiệp sẽ phối hợp làm việc cùng nhau, đảm bảo tất cả các quyết định đều hỗ trợ định hướng chung của tổ chức.

Các thành phần trong chiến lược kinh doanh

Mục tiêu chiến lược

Mục tiêu chiến lược là thành phần đầu tiên của chiến lược kinh doanh. Mục tiêu chiến lược là kỳ vọng của doanh nghiệp, là mong muốn đạt được của doanh nghiệp khi thiết lập chiến lược kinh doanh. Mục tiêu sẽ định hình hướng đi, quyết định nguồn lực đầu tư và toàn bộ kế hoạch triển khai sau này. 

Khi xác lập mục tiêu chiến lược, mục tiêu cần đảm bảo nguyên tắc SMART - cụ thể, có thể đo lường được, khả thi, liên quan và xác định thời gian cụ thể. Mục tiêu không SMART thì sẽ tạo ra sự mơ hồ và một vòng luẩn quẩn cho doanh nghiệp trong các hoạt động. 

Phạm vi chiến lược

Phạm vi chiến lược có thể coi là thị trường doanh nghiệp lựa chọn, tập trung vào phân khúc khách hàng nào, cung cấp sản phẩm chủ lực nào tại khu vực nào. Doanh nghiệp cần xác định phạm vi chiến lược bởi nguồn lực là luôn có hạn, nó giúp doanh nghiệp tránh sự phân tán, tăng cường hiệu quả và đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng mục tiêu.

Giá trị khách hàng

Xác định giá trị khách hàng

Giá trị khách hàng là thứ mà khách hàng cần, kỳ vọng và sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm, dịch vụ. Hiểu rõ giá trị khách hàng và cung cấp các giá trị một cách khác biệt, vượt trội so với đối thủ là cách để doanh nghiệp thu hút khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. 

Hệ thống các hoạt động chiến lược

Hệ thống các hoạt động chiến lược chính là cách thức doanh nghiệp triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu chiến lược đã đặt ra. Hay nói cách khác là cách doanh nghiệp tạo ra, truyền tải và phân phối giá trị khác biệt đến khách hàng mục tiêu của mình. Các hoạt động trong hệ thống chiến lược cần có sự tương tích, liên kết để đóng góp vào giá trị chung của chiến lược. 

Năng lực cốt lõi

Doanh nghiệp cần xác định năng lực cốt lõi của mình - thứ mà doanh nghiệp mạnh nhất, làm tốt nhất để tạo ra giá trị khác biệt và lợi thế cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp mạnh về sản xuất hãy tập trung vào sản xuất, các công việc khác hãy để các đối tác giỏi về công việc đó làm cho bạn.

Vai trò của chiến lược kinh doanh

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và định hướng dài hạn thì cần có chiến lược kinh doanh. Dưới đây là những lợi ích tiêu biểu của chiến lược kinh doanh: 

  • Định hướng được lộ trình phát triển cho doanh nghiệp trong cả ngắn hạn và dài hạn. 
  • Giúp doanh nghiệp thích nghi với sự biến động của thị trường và phát triển bền vững, đúng hướng. 
  • Không bị phân tán nguồn lực, tất cả các phòng ban đều nắm rõ mục tiêu và hướng đến mục tiêu chung của doanh nghiệp. 
  • Nắm bắt được cơ hội và sẵn sàng cho các thách thức, khó khăn trong tương lai. 

5 bước xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả

Để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp của mình, nhà quản trị hãy theo dõi 5 bước sau đây: 

Xác định mục tiêu

Xác định mục tiêu chiến lược

Bước đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu của chiến lược là gì. Trong ngắn hạn doanh nghiệp cần đạt được gì và trong dài hạn sẽ phát triển đến mức nào? Bạn sẽ cần cụ thể cho từng mục tiêu như mục tiêu kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận ..), mục tiêu thị phần, mục tiêu thương hiệu … Một lần nữa, hãy ghi nhớ mục tiêu cần tuân thủ nguyên tắc SMART!

Nghiên cứu, phân tích thị trường

Nghiên cứu, phân tích thị trường để doanh nghiệp xác định được các cơ hội, thách doanh nghiệp sẽ phải đối mặt và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường hiện nay. Phân tích thị trường cũng sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ về khách hàng mục tiêu, từ đó có được định hướng tạo ra giá trị khác biệt, độc đáo. 

Xây dựng chiến lược

Bước tiếp theo bạn sẽ bắt tay vào xây dựng chiến lược. Từ định hướng sản xuất, phát triển sản phẩm đến thử nghiệm, định giá, truyền thông, phân phối … cần có chiến lược cụ thể. Bên cạnh đó là chiến lược về phát triển kinh doanh và khách hàng. 

Chuẩn bị và thực hiện kế hoạch chiến lược

Ở bước này, doanh nghiệp cần gắn các hoạt động chiến lược với nguồn lực và kế hoạch triển khai cụ thể. Ai sẽ là người thực hiện, ngân sách là bao nhiêu và thực hiện trong bao lâu. Quá trình thực hiện cần bám sát mục tiêu ban đầu và kế hoạch đã xây dựng trước đó. 

Đo lường và tối ưu hóa

Bước cuối cùng là đo lường và tối ưu hóa chiến lược kinh doanh. Bước này sẽ giúp bạn đánh giá được chiến lược có hiệu quả hay không, trong quá trình triển khai thì gặp vấn đề gì và tìm ra được phương hướng để cải thiện. Đo lường liên tục chính là cách để doanh nghiệp ngày mai tốt hơn ngày hôm nay!

5 yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh

Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có 5 yếu tố chính (là các yếu tố của mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter): 

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp

Không “bỏ quên” đối thủ cạnh tranh

Sự cạnh tranh của các đối thủ trực tiếp tác động nhiều đến chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp. Những chiến lược này có thể liên quan đến giá, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chiến lược xúc tiến bán … Doanh nghiệp không nên bỏ quên đối thủ (ngay cả khi đang ở đỉnh cao), theo dõi chiến lược của họ và đưa ra các chiến lược đối phó kịp thời khi họ thay đổi. 

Sức mạnh của khách hàng

Đặc biệt là các doanh nghiệp B2B (doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp khác) thì sức mạnh của khách hàng thể hiện rõ. Họ có thể ép giá, tạo ra rào cản trong thương lượng … Khi này doanh nghiệp cần có các chiến lược để hạn chế sức ép của khách hàng. 

Quyền lực của các nhà cung ứng

Tương tự như khách hàng, các nhà cung ứng cũng có quyền lực và có thể tạo ra những sức ép nhất định cho doanh nghiệp. Họ có thể giảm giá chất lượng sản phẩm cung ứng, tăng giá hay hạn chế nguồn hàng khi không đạt được thỏa thuận mới “tốt hơn” với doanh nghiệp. Đặc biệt nếu bạn là doanh nghiệp cần nhập hàng từ các nhà cung ứng, doanh nghiệp khác thì cần chuẩn bị các chiến lược để tránh những tình trạng này. 

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là một yếu tố doanh nghiệp cũng cần quan tâm. Đặc biệt, đối tượng này chưa quá “rõ ràng” trên thị trường nên việc phát hiện ra họ cũng khó khăn, khi bạn biết có thể là đã “quá muộn”. Bạn có thể “tiêu diệt” trước khi họ quá lớn hoặc “mua” họ khi họ đe dọa đến doanh nghiệp của bạn. 

Các sản phẩm thay thế

Cuối cùng, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là các sản phẩm thay thế. Để hạn chế, doanh nghiệp cần có các chiến lược để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nhiều lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình.  

6 ví dụ tiêu biểu về chiến lược kinh doanh

Chiến lược sản phẩm

Chiến lược sản phẩm của Apple

Chiến lược sản phẩm là quá trình quyết định rằng doanh nghiệp sẽ phát triển sản phẩm, dịch vụ nào, phát triển như thế nào, kế hoạch sản xuất ra sao, tập trung vào chất lượng, khác biệt hay tối ưu về chi phí sản xuất. Ví dụ, Apple áp dụng chiến lược sản phẩm khác biệt hóa, tập trung vào các giá trị khác biệt, vượt trội để tạo trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. 

Chiến lược về giá

Chiến lược về giá quyết định đến việc sản phẩm được định giá như thế nào, bán với mức giá bao nhiêu? Doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều chiến lược giá khác nhau như hớt váng (bán với giá cao khi ra mắt sản phẩm để thu lời nhanh chóng), giá thâm nhập (bán giá thấp để thị trường hấp thụ sản phẩm), giá cạnh tranh (đặt giá cạnh tranh được với đối thủ), … và rất nhiều chiến lược giá khác. Ví dụ với các ngành hàng thực phẩm thiết yếu các thương hiệu thường định giá dựa trên chi phí sản xuất và đặt giá cạnh tranh với đối thủ. 

Chiến lược phân phối

Chiến lược phân phối quyết định sản phẩm sẽ được bán như thế nào? bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng hay qua hệ thống kênh? kênh là một cấp hay hai cấp, chiến lược trong kênh như thế nào? triển khai kênh, phát triển kênh, ngăn chặn xung đột kênh … như thế nào. Ví dụ TH True Milk phát triển hệ thống kênh phân phối cả trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp thông qua các cửa hàng bán lẻ TH True Mart và hệ thống bán hàng online. Gián tiếp thông qua các đại lý, nhà bán lẻ phủ khắp các tỉnh thành. 

Chiến lược marketing

Chiến lược Inbound Marketing được doanh nghiệp áp dụng

Chiến lược marketing giúp khách hàng biết đến, hiểu, mua và yêu thích sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp. Chiến lược marketing quyết định các hoạt động truyền thông, xúc tiến, xây dựng thương hiệu … của doanh nghiệp. Ví dụ: UpBase áp dụng chiến lược Inbound Marketing, xây dựng kênh website và các nội dung hữu ích để khách hàng đón nhận giá trị và “yêu” UpBase!

Chiến lược liên minh

Chiến lược liên minh là chiến lược các doanh nghiệp hợp tác với nhau nhằm bổ sung các giá trị, lợi ích cho nhau từ đó để thúc đẩy chính doanh nghiệp của mình phát triển. Chiến lược này thường được các tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia áp dụng phổ biến. Ví dụ, Microsoft và FPT đã liên minh chiến lược với nhau trong 3 năm nhằm cung cấp các giải pháp chất lượng cao dành cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Chiến lược thâu tóm (mua bán-sáp nhập)

Chiến lược thâu tóm thường được các doanh nghiệp lớn trong ngành của họ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ hơn, hoặc cho các doanh nghiệp ngoài ngành mà doanh nghiệp lớn muốn mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực đó. Ví dụ, tập đoàn Masan mua lại VinCommerce, VinEco của Vingroup, sau đó đổi tên thành WinCommerce và WinEco để trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ quy mô hàng đầu Việt Nam.

Kết luận

Qua bài viết, UpBase đã chia sẻ thông tin chi tiết về chiến lược kinh doanh. Bạn đã hiểu rõ chiến lược kinh doanh là gì và vai trò của chiến lược kinh doanh đối với doanh nghiệp. Với hướng dẫn 5 bước và 6 ví dụ cụ thể, hy vọng bạn đã thiết lập được chiến lược kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp của mình. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Quan Tâm UpBase OA cập nhật thông tin mới nhất

Newsletter!

Đăng ký để nhận thông báo về các báo cáo, webinar và bài viết hữu ích
Loading...