Từng là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, Lazada đã đánh mất ánh hào quang của mình như thế nào?
Sàn thương mại điện tử Lazada
Lazada là một công ty kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và được xếp vào hàng ngũ các Unicorn – Thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD. Được sáng lập năm 2012 bởi Maximilian Bittner và sự trợ giúp từ tập đoàn Rocket Internet đến từ Đức, Lazada được thành lập nhằm hướng đến thị trường thương mại điện tử tại các nước Đông Nam Á đầy tiềm năng.
Với tốc độ phát triển nhanh của thị trường cũng như xu hướng thâu tóm, sáp nhập của các tập đoàn lớn. Năm 2015, Lazada đã chính thức được mua lại bởi tập đoàn Alibaba, một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới với sàn thương mại điện tử Alibaba.
Lazada hoạt động với mô hình kinh doanh hoạt động theo hướng marketplace – trung gian trong quá trình mua bán điện tử. Mô hình tạo mối liên kết hai chiều giữa người bán và người mua hoặc một cách hiểu khác là Lazada đang theo đuổi mô hình B2B.
Không chỉ đơn thuần đóng vai trò trung gian trong mua bán điện tử, Lazada cũng đồng thời cung cấp cho các bên những tiện ích đi kèm như logistics, thanh toán và chăm sóc khách hàng,…
Thời điểm Alibaba mua lại Lazada
Đông Nam Á là thị trường rất hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu và các công ty địa phương trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bước ngoặt về sự thâm nhập của Internet và di động đã cho phép dân số Đông Nam Á nhanh chóng thích nghi với sản phẩm và dịch vụ trực tuyến.
Số lượng người dùng Internet ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở 6 nước ASEAN lớn nhất đã góp phần tạo nên một thị trường thương mại điện tử tiềm năng, còn nhiều cơ hội để khai thác. Tại các nước như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, thương mại điện tử vẫn đang ở giai đoạn mới hình thành, là nguồn cung cấp tăng trưởng quan trọng cho ASEAN. Sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng công nghệ và mức thu nhập ngày càng tăng của các quốc gia sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực E-commerce ngày một mở rộng. Với chỉ 3% tổng doanh số bán lẻ của khu vực được thực hiện online, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng to lớn.
Ngoài ra, thị trường Đông Nam Á vốn phân hóa khá rõ rệt. Singapore là quốc gia phát triển, rất dễ thành lập một doanh nghiệp thương mại điện tử. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, các thị trường còn lại gặp rất nhiều khó khăn. Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều có nền công nghệ sơ khai với nhiều vấn đề và rào cản. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của Alibaba cho biết: “Các thị trường thương mại điện tử trong khu vực vẫn còn tương đối chưa được khai thác, và chúng tôi nhìn thấy một quỹ đạo đi lên rất tích cực ở phía trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục dành nguồn lực của mình để làm việc tại Đông Nam Á thông qua Lazada để nắm bắt những cơ hội phát triển này.”
Lazada là công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á ở thời điểm Alibaba mua lượng cổ phần kiểm soát của công ty này năm 2016, hoạt động tại 6 thị trường trọng điểm là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, Lazada hiện là một trong những trang thương mại điện tử hàng đầu với khoảng 400.000 sản phẩm và hơn 6.000 nhà bán hàng. Vào mùa cao điểm, website Lazada.vn tiếp nhận khoảng 1,5 triệu lượt truy cập/ngày.
Dù vậy, Lazada cũng gặp nhiều thách thức trong việc mở rộng thị trường, đơn cử là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Indonesia Tokopedia. Trước đó, Tokopedia đã kêu gọi một vòng tài trợ mới trị giá 147 triệu đô la Mỹ.
Hơn nữa, Lazada hiểu rõ mức độ khó khăn để phát triển thương mại điện tử trên thị trường Đông Nam Á. Đây hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Ở những nơi còn rất kém phát triển, tốc độ và kết nối internet có thể kém và dân số bị phân tán trên hàng nghìn hòn đảo như tại Indonesia. Mỗi quốc gia có ngôn ngữ riêng – và các luật riêng biệt, hay văn hóa, thuế, phương thức thanh toán, thủ tục thông quan và thiết lập logistics khác nhau. Đây là một thách thức lớn với Lazada để chinh phục. Ngoài ra, với phần lớn Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng còn kém hoặc hầu như không tồn tại. Đường xá khiến việc vận chuyển hàng hóa trực tuyến trở nên chậm chạp và tốn kém. Lazada cần một nhà đầu tư lớn để có thể giúp chuyển mình.
Tất cả những yếu tố đó đại diện cho những rào cản lớn đối với việc gia nhập thương mại điện tử. Rất ít công ty khởi nghiệp thương mại điện tử sinh ra ở Đông Nam Á có thể mở rộng ra toàn khu vực. Hầu hết các doanh nghiệp đều chọn gắn bó với quốc gia của họ, hoặc có thể chỉ mạo hiểm với đất nước “hàng xóm” quen thuộc. Bởi thế mà Lazada rất cần sự hỗ trợ về vốn cũng như kinh nghiệm từ một “ông lớn” khác có thâm niên trong lĩnh vực thương mại điện tử, ở đây là Alibaba.
Ngoài ra, nếu muốn gây dựng một mô hình như Lazada tại thị trường Đông Nam Á, Alibaba sẽ phải mất hàng tỷ USD, mà chưa chắc đã đánh bại được những đối thủ khác. Vì thế, cách đơn giản và dễ dàng nhất chính là đổ vốn vào Lazada. Việc mua lại Lazada sẽ giúp Alibaba tiếp cận thị trường mới màu mỡ hơn. Lazada là lựa chọn hàng đầu cho nền tảng đại diện – kết nối các thương hiệu và nhà phân phối trên toàn thế giới với 560 triệu người tiêu dùng ở Đông Nam Á, phù hợp với chiến lược toàn cầu hóa của Alibaba.
Mơ mộng khác xa thực tế
Đông Nam Á là nơi có một lượng lớn cộng đồng người Hoa hải ngoại.
Alibaba tiến vào Đông Nam Á thông qua Lazada - mang trong mình DNA vườn ươm Rocket Internet của Đức, nơi nổi tiếng là một “nhà máy sao chép”, chuyên sao chép các mô hình kinh doanh từ Thung lũng Silicon và sau đó “áp dụng” chúng vào các quốc gia khác ở nước ngoài.
Đến năm 2015, GMV của Lazada đạt trên 1,3 tỷ USD, vượt qua đối thủ Tokopedia của Indonesia để trở thành nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khu vực. Không lâu sau, vào tháng 4/2016, Alibaba mua 51% cổ phần Lazada, sau đó tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD vào tháng 6/2017 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 83%.
Thời gian đầu, Lazada tập trung chủ yếu vào thị trường Indonesia.
Các đường phố và ngõ hẻm của Jakarta tràn ngập quảng cáo. Indonesia được coi là thị trường hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Chiến lược quảng cáo đã phát huy hiệu quả khi gieo vào đầu người tiêu dùng rằng thương mại điện tử dễ tiếp cận hơn họ nghĩ rất nhiều.
Một chuyên gia trong ngành thương mại điện tử nói: “Rocket Internet đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Lần đầu tiên trong lịch sử, có người đổ tiền vào lĩnh vực này”.
Giống như Alibaba và JD.com phát động lễ hội mua sắm 11/11 và 18/6 tại Trung Quốc, Lazada đã phát triển Harbolnas, sự kiện bán hàng riêng của mình vào ngày 12/12. Học theo kinh nghiệm từ thị trường Trung Quốc, họ bắt đầu tập trung vào điện tử tiêu dùng, quản lý nhu cầu lưu kho, giao hàng và thanh toán.
Khi hoạt động của Lazada được mở rộng, đội ngũ quản lý bắt đầu tỏ ra lúng túng trong khi nhu cầu thương mại điện tử ngày càng tăng. Theo một người trong nội bộ Lazada, khi tổ chức các hoạt động khuyến mại, tình trạng hết hàng bất ngờ và giao hàng chậm trễ trở nên phổ biến do kho hàng chưa được tích hợp tốt.
Việc về tay Alibaba được kỳ vọng là động lực thúc đẩy Lazada phát triển thông qua sự kết hợp giữa tài chính và chuyên môn.
Tên tuổi của Jack Ma – sáng lập Alibaba và được coi là doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc lúc bấy giờ, đã khiến Lazada chấp nhận khoản đầu tư từ Alibaba. Với mối hợp tác kinh doanh mới, Alibaba đã đóng cửa đơn vị kinh doanh xuyên biên giới AliExpress tại Indonesia.
Vào thời điểm đó, Shopee hầu như không được coi là mối đe dọa. Shopee lần đầu tiên ra mắt tại Đài Loan vào tháng 10/2015 và sau đó mở rộng sang Đông Nam Á qua Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Bất đồng và xung đột
Sau thương vụ mua lại, Alibaba hứa hẹn với Lazada rằng họ sẽ có thể duy trì hoạt động độc lập. Vậy nhưng những bất đồng và xung đột đã nhanh chóng nổ ra.
Một người trong nội bộ Lazada cho biết: “Chẳng hạn, vào năm 2017, Cainiao – nhà cung cấp dịch vụ giao hàng của Alibaba, muốn xây dựng nhà kho rộng 10.000 m2, nhưng Lazada muốn thử nghiệm một nhà kho rộng 5.000 m2 trước.
Năm đó, Alibaba cũng muốn đưa một số thương hiệu quốc tế lớn đến với Lazada nhưng nhân viên của Lazada cảm thấy những thương hiệu này quá đắt và sẽ không được người tiêu dùng địa phương đón nhận”.
Để đảm bảo các quyết định của mình sẽ được thực hiện, Alibaba chuyển đổi cơ cấu nội bộ của Lazada. Tháng 3/2018, ông Peng Lei, cựu Giám đốc điều hành Ant Financial, đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Lazada. Đây là một phần điều khoản ràng buộc để Alibaba chấp nhận đầu tư 2 tỷ USD vào Lazada.
Sau khoản tài trợ khổng lồ, Lazada đã không hành động ngay lập tức để chống lại các đối thủ cạnh tranh mà thay vào đó là bắt đầu quá trình thanh lọc nội bộ.
Một nhà cung cấp quảng cáo nói rằng vì Lazada gần như là một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn Alibaba, nên việc quản lý tài khoản trên nhiều quốc gia phức tạp hơn và cho đến khi việc này có thể được giải quyết xong xuôi thì chuyện lập ngân sách và chi tiêu quảng cáo gần như sẽ tạm dừng.
Song song, những nhà bán hàng địa phương nhận thấy giao diện shop thay đổi chỉ sau một đêm. Một người bán hàng quen thuộc với các dịch vụ của Alibaba ở Trung Quốc cho biết hệ thống back-end mới của Lazada gần như là một bản sao Taobao.
Kế hoạch nâng cấp mà Alibaba dành cho Lazada có tên mã là Voyage (cuộc hành trình), biểu tượng cho con đường hướng tới các thị trường mới. Giám đốc công nghệ Alibaba, Zhang Jianfeng, đặt ra hai yêu cầu chính:
Thứ nhất, dự án tổng thể phải hoàn thành trước ngày 31/3 – ngày cuối cùng trong năm tài chính của Alibaba. Thứ hai, kế hoạch phải đạt được ngay lập tức.
Các chủ shop đồng ý rằng giao diện bán hàng trên Lazada cần được nâng cấp vì khó sử dụng nhưng sự thay đổi đột ngột này là điều họ không mong muốn. Gần như tất cả các tính năng sản phẩm và quản lý của Taobao như phiếu giảm giá, dịch vụ khách hàng và giao diện bán hàng,… đều được ra mắt ngay cùng một lúc, khiến người người dùng khó học cách sử dụng chúng.
Nhân viên Lazada ví von rằng việc áp hệ thống Alibaba vào nền tảng thị trường Đông Nam Á mà không tinh chỉnh giống như lắp động cơ Boeing 747 lên một chiếc xe cổ.
Bên cạnh những thay đổi kỹ thuật, hàng trăm nhân viên quản lý cấp trung của Alibaba đã được bổ nhiệm vào các vị trí khác nhau trong Lazada. Động thái này khiến các nhà quản lý người châu Âu ban đầu tại Lazada không khỏi lo lắng.
Các lãnh đạo người châu Âu như đồng sáng lập Charles Debonneuil và Giám đốc tiếp thị Tristan de Belloy đã sớm rời công ty. Nhiều người khác, bao gồm cả nhân viên ở cấp thấp hơn, cũng làm theo.
Mâu thuẫn càng trở nên trầm trọng hơn bởi rào cản ngôn ngữ. Có hàng chục ngôn ngữ được sử dụng trên khắp Đông Nam Á. Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính ở Singapore nhưng nhân viên Alibaba nhìn chung không thông thạo và thích sử dụng tiếng Trung để giao tiếp với nhau trong phạm vi nhỏ.
Với ba đợt nâng cấp sản phẩm, điều chỉnh nhân sự, thanh lọc kế toán, hoạt động thực tế của Lazada đã bị đình trệ.
Một số đối tác của Lazada nói rằng họ cảm thấy công ty “gần như không làm gì” trong sáu tháng đầu tiên sau khi CEO Peng Lei đến. Một số chủ shop ở Malaysia cho biết Lazada thậm chí đã dừng một số chương trình khuyến mãi quan trọng trong thời gian này.
Shopee tung đòn tấn công bất ngờ
Cuối năm 2017, công ty mẹ của Shopee là Garena đổi tên thành Sea Limited và niêm yết trên sàn chứng khoán New York với giá trị 6,3 tỷ USD.
“Sau khi IPO, rất nhiều người đã bán cổ phiếu của mình. Họ không tin rằng nó có thể phát triển lớn hơn”, một nhà đầu tư Shopee chia sẻ.
Vào năm 2018, CEO Shopee Chris Feng đã nắm bắt cơ hội để phát động cuộc tấn công trước sự trì trệ của Lazada tại Đông Nam Á.
Hiện vốn hóa thị trường của Shopee đã vượt 120 tỷ USD. Nhân viên của Shopee cho biết 80% giá cổ phiếu của Sea Limited được hỗ trợ bởi tiềm năng tăng trưởng của nền tảng, trong khi 80% tiềm năng của Shopee được hỗ trợ bởi CEO Feng.
Những người thân cận với Feng cho biết ông là người tiên phong rời bỏ Lazada để gia nhập Garena vào năm 2014 do không hài lòng với tình hình tại công ty cũ. Ông thành lập bộ phận trò chơi di động của Garena và sáng lập Shopee một năm sau đó.
Theo những người quen thuộc, ông rất được cấp dưới tôn trọng và được coi là một người “vô cùng thông minh và vô cùng tự tin”, “phản ứng nhanh chóng và có khả năng ghi nhớ tuyệt vời”.
Cứ hai tuần, Feng tổ chức các cuộc họp quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục cá nhân và có thể bất ngờ nêu ra dữ liệu và thông tin được đề cập trong các cuộc họp trước đó một cách dễ dàng.
Kinh nghiệm và mối quan hệ của Feng tại Lazada được đánh giá là rất quan trọng đối với sự phát triển của Shopee. Chẳng hạn, ông biết rõ về tình hình hỗn loạn bên trong Lazada vào năm 2018 và nắm lấy cơ hội để phát động một cuộc tấn công.
Giống như Lazada, Shopee bắt đầu bằng chiến lược quảng cáo rầm rộ trên khắp Đông Nam Á, với các biển quảng cáo dán tại các bến xe buýt và dọc các đường cao tốc. Họ có những đại diện thương hiệu tại nhiều nước, chẳng hạn như võ sĩ người Philippines Manny Pacquiao và ca sĩ người Malaysia Siti Nurhaliza.
Theo báo cáo từ iPrice, tháng 3/2018, chênh lệch giữa số lượt truy cập của Shopee và Lazada bắt đầu thu hẹp.
CEO Feng tập trung vào thị trường Indonesia. Một nhà đầu tư cho biết: “Khi nói về dân số và quy mô, riêng Indonesia đã chiếm hơn 40% Đông Nam Á. Có câu nói ai chiến thắng ở Indonesia cũng sẽ thành công trên khắp Đông Nam Á”.
Khoảng một nửa dân số 260 triệu người của Indonesia dưới 30 tuổi. Nước này có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng 230 USD. Các ngành công nghiệp nội địa của Indonesia kém phát triển và không thể cung cấp đủ hàng hóa chất lượng cao và giá rẻ cho thị trường trong nước.
Thông qua các kết nối tại Trung Quốc, Shopee đã thu hút được một lượng lớn người dùng Indonesia. Một người tiêu dùng cho biết những mặt hàng bán trên Shopee khá phong phú bao gồm mỹ phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày và đồ chơi nhỏ.
Tại Trung Quốc, nền tảng thương mại điện tử cho phép các nhà máy trực tiếp mở cửa hàng và bán hàng giá rẻ. Indonesia không có nhiều nhà máy, nhưng các nhà bán buôn Trung Quốc từ đại lục có thể mua và trữ lượng lớn hàng hóa.
Hầu hết những thương nhân truyền thống này đều có kênh phân phối trực tiếp do đó việc đưa họ lên bán hàng trên thương mại điện tử không phải là điều dễ dàng. Trước khi được Alibaba mua lại, Lazada đã cố gắng thuyết phục họ, nhưng vì công ty này không hoạt động trong giới kinh doanh Trung Quốc nên những nỗ lực đã không thành công.
Sau khi bị Alibaba tiếp quản, Lazada vẫn không quan tâm đến việc hình thành quan hệ đối tác với những nhà bán buôn này.
Nhiều người làm việc tại Lazada vào thời điểm đó cho biết trọng tâm của tập đoàn là xây dựng thương hiệu và mang lại những mặt hàng có thể nâng cao xu hướng tiêu dùng ở Đông Nam Á. Alibaba dành nguồn lực và thời gian của họ để giới thiệu nhiều thương hiệu quốc tế hơn và giúp Alibaba có thêm doanh số bán hàng ở nước ngoài vào Ngày Độc thân.
Trong khi đó, mỗi năm CEO Shopee dành khoảng 80% thời gian ở Indonesia. Ông thậm chí còn học ngôn ngữ địa phương. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông và cộng sự cuối cùng đã lôi kéo được các nhà bán buôn sử dụng nền tảng của Shopee và đảm bảo nguồn cung cấp hàng hoá giá rẻ.
Ngừng trợ cấp giao hàng
Bên cạnh lượng hàng hóa sẵn có không đồng đều ở Đông Nam Á, logistics là một vấn đề lớn không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thời điểm năm 2017, dịch vụ chuyển phát nhanh ở Đông Nam Á không chỉ đắt mà còn chậm. Người dùng thường phải mất 7 ngày mới nhận được hàng mua online. Hàng hoá mua từ nước ngoài có thể mất cả năm để vận chuyển.
Các chủ shop được hưởng lợi từ chính sách giao hàng này. Chẳng hạn một người bán xuyên biên giới Indonesia nhận được đơn hàng 6,26 USD, họ sẽ nhận được khoản hỗ trợ vận chuyển 3,48 USD.
Shopee đốt tiền vào các khoản trợ cấp này để đổi lấy lưu lượng truy cập lớn và doanh số bán hàng tăng nhanh - điều này trực tiếp thúc đẩy ngành chuyển phát nhanh nội địa.
Hai công ty chuyển phát nhanh lớn nhất Indonesia là JNW và J&T là những doanh nghiệp hưởng lợi chính. Một nhân viên của J&T ở Indonesia nói rằng mật độ các cửa hàng của J&T tại Jakarta đã tăng lên thành cứ 5 km có một điểm, vào năm 2018.
Để vận chuyển nhiều hàng hóa hơn tới Indonesia, quốc gia vốn sở hữu hơn 1.000 hòn đảo, J&T đã mua một số tàu chở hàng. Đến giữa năm 2018, hầu hết các sản phẩm mua trên Shopee đều được giao trong vòng 3 ngày, thậm chí một số giao trong vòng hai ngày.
Việc dừng trợ giá giao hàng khiến cho Lazada mất đi một lượng khách hàng cũng như nhà bán hàng vào tay Shopee.
Đại dịch Covid-19
Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử nhưng nghiêng về các đối thủ cạnh tranh của Alibaba. Sau khi vượt lên dẫn trước vào năm 2019, Shopee đã giới thiệu Shopee Mall, nơi các thương hiệu lớn, có uy tín có thể mở cửa hàng trực tuyến. Họ cũng đầu tư 192,9 triệu USD vào các hoạt động tiếp thị và quảng cáo, bao gồm phí để ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo làm đại diện thương hiệu.
Giữa năm 2019, Lazada chuyển sang chiến lược cắt lỗ.
Một số kênh quảng cáo cho biết, từ đó đến nay, Shopee chủ yếu mua quảng cáo CPI (chi phí cho mỗi lượt cài đặt - trả tiền cho kênh quảng cáo mỗi khi người dùng tải ứng dụng xuống), trong khi Lazada chủ yếu mua quảng cáo CPR (tính theo giá mỗi kết quả - chỉ trả tiền cho kênh quảng cáo một lần khi người dùng đã mua thứ gì đó bằng ứng dụng).
Điều này phản ánh chiến lược thị trường đang thay đổi của cả hai công ty, với việc Shopee vẫn đầu tư mạnh vào việc thu hút người dùng, trong khi Lazada tập trung vào kiểm soát chi phí.
Ông Zhang Yong không còn bay đến Singapore mỗi tháng nữa. Alibaba giao trách nhiệm cho những người am hiểu thị trường Đông Nam Á hơn như Li Chun, người đã làm việc cho Lazada hơn ba năm.
Li tốt nghiệp đại học Bắc Kinh, làm việc cho eBay tại Trung Quốc và sau đó làm việc tại trụ sở chính ở Mỹ, với tổng cộng 12 năm kinh nghiệm. Sau khi trở về Trung Quốc vào năm 2014, ông gia nhập Alibaba, giữ chức vụ CTO tại bộ phận B2B.
Hai năm sau, ông lại đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Lazada Indonesia vào tháng 7/2019. Đây là thời điểm Lazada lâm vào khủng hoảng khi mọi chỉ số đều đi xuống thấp nhất.
Ông Li dành một nửa thời gian ở Jakarta. Một nhà cung cấp nói rằng Li tập trung vào việc "gác lại mọi tranh chấp và cùng nhau tiến lên". Lazada không còn áp đặt các điều kiện hạn chế đối với các nhà cung cấp của mình. Công ty cũng trở nên tích cực hơn trong công việc chào mời các đơn vị xuất nhập khẩu. Điều này cho phép Lazada thu hút ủng hộ từ người bán và những cơ sở giao hàng của mình.
Chiến lược lãnh đạo của Li đã mang về kết quả. Theo App Annie, từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, mặc dù Tokopedia và Shoppe vẫn là những ứng dụng phổ biến nhất ở Indonesia, nhưng số lượt tải xuống ứng dụng của Lazada vẫn đứng đầu bảng xếp hạng.
Đến tháng 6/2020, Li được thăng chức CEO Lazada.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Lazada lại vấp phải một trở lực, đó là đại dịch. COVID-19 tạo cho các đối thủ cạnh tranh cơ hội để có được một lượng lớn khách hàng chịu chi. Đến quý III/2020, lượt truy cập hàng tháng vào Shopee gấp 4 lần lượt truy cập của Lazada ở Đông Nam Á và gấp 20 lần lượt truy cập của JD.com.
Các đợt lockdown trên khắp các thành phố Đông Nam Á cũng không ngăn được Shopee đầu tư vào các chiến dịch marketing quy mô lớn. Chẳng hạn, màn hình lớn nhất tại Trung tâm mua sắm Orchid Garden, trung tâm thành phố Jakarta tiếp tục hiển thị quảng cáo của Shopee một cách nổi bật, ngay cả khi có ít người đi qua hơn.
Lazada chậm chân hơn. Một nhân viên của nền tảng này tại Indonesia nói rằng sau khi đại dịch bùng phát ở Jakarta vào tháng 4/2020, Alibaba đã rút gần như toàn bộ nhân viên của mình.
Đến quý III/2020, lượt truy cập hàng tháng vào Shopee gấp gần 4 lần so với Lazada, với giá trị thị trường của công ty mẹ Sea Limited bằng 1/5 vốn hoá Alibaba.