Ngô Thanh Huyền

Tác giả

Ngô Thanh Huyền

Hơn 105.000 nhà bán hàng Shopee, Lazada, TikTok Shop rời khỏi thị trường năm 2023

2/27/2024

0

Hơn 105.000 nhà bán hàng Shopee, Lazada, TikTok Shop rời khỏi thị trường năm 2023

Hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường năm 2023. Có thể nói thị trường Thương mại điện tử đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Bán hàng online đang dần trở nên khó nhằn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến thói quen của người tiêu dùng.

Thị trường bán hàng trực tuyến đầu năm 2024

Tính đến cuối tháng 2, nhiều hiệp hội, ngành hàng phấn khởi chia sẻ, sau thời gian dài doanh nghiệp chật vật vì thiếu đơn hàng thì đến nay, các hợp đồng xuất khẩu bắt đầu rục rịch tăng trở lại. 

VinaCapital kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 

Riêng Trung Quốc - thị trường số 1 của rau quả Việt Nam, nước ta dự kiến mở cửa thêm 2 mặt hàng mới là dừa tươi và sầu riêng đông lạnh vào thị trường này.

Và cũng nhờ sự khởi sắc từ hoạt động của doanh nghiệp, nên người lao động có nhiều cơ hội tìm được “bến đỗ mới” sau Tết.

Như tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cho biết, đã có tới hơn 44.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Còn tại TPHCM, tính đến tuần cuối tháng 2, hiện thị trường lao động thành phố đang thiếu hụt nhân sự và cần tuyển dụng thêm khoảng 52.000 người lao động.

Ngược lại, thị trường bán hàng trực tuyến lại đang khởi đầu năm 2024 khá chậm chạp. Dẫn chứng là theo nền tảng số liệu TMĐT Metric, sức mua chưa có dấu hiệu phục hồi sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Từ ngày 15 đến 18-2, doanh thu của Shopee và TikTok Shop chỉ đạt 1.500 tỉ đồng, giảm 65% so với tuần trước Tết. 

Cũng theo thống kê, do tính chất cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, trong năm 2023 có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường. Điều này cho thấy, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là xu hướng nhưng cũng không dễ dàng với người bán hàng.

Và không chỉ với các gian hàng online, nhu cầu du lịch và mua sắm các mặt hàng giá trị lớn của người dân cũng đang có sự “dè dặt”. Bởi theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 1-2024, lượng và kim ngạch ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. 

Thách thức giá siêu rẻ

Với doanh nghiệp, dù đã có kinh nghiệm đưa sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Song ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc VitaJean vẫn thừa nhận kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng xuyên biên giới không hề dễ bởi bài toán về giá.

Theo ông Việt, nếu bán theo giá chuẩn làm ra thì rất khó cạnh tranh, bởi sản phẩm của đối thủ chỉ bằng 1/3 của VitaJean. Ông Việt lấy ví dụ như chiếc quần jean, trên kênh thương mại điện tử, một số cửa hàng chỉ bán khoảng 200.000 đồng/cái, tương đương với chi phí đầu vào nguyên liệu vải để sản xuất quần jean tại VitaJean. Trong khi đó, để làm ra cái quần còn nhiều chi phí khác nữa.

Theo ông Việt, có mức giá bán rất thấp này là do các cửa hàng chủ yếu đặt các cơ sở gia công sử dụng vải tồn không còn phù hợp để sản xuất, hoặc họ lấy hàng hóa trôi nổi, hàng từ Trung Quốc chuyển sang không đảm bảo chất lượng, sớm phai màu, mau bị hỏng rách khi sử dụng… Trong khi đó, hầu hết khách hàng đều thích mua được hàng hóa giá thấp.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 đã tăng 53,4% so với cùng kỳ 2022 – mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh số năm 2023 đạt 233,2 nghìn tỷ đồng, với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được bán ra.

Tuy nhiên, cũng trong năm 2023, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn thương mại điện tử là 637.273, giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng thương mại điện tử mới.

Nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt... Đặc biệt, sự sụt giảm này còn do yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp như lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/nhập hàng phù hợp…

Cạnh tranh với nền tảng xuyên biên giới

Cũng trong quãng thời gian này, đã xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động. Dự báo trong năm 2024, doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh ở mức 35%, đạt khoảng 310.000 tỷ đồng.

Làm sản phẩm áo dài may đo tưởng như rất khó bán hàng trực tuyến, nhưng chị Cao Thị Phương Lan, chủ tiệm áo dài Phương Lan vẫn quyết định tham gia bán hàng livestream trực tuyến trên một mạng xã hội. Chị Lan cho rằng, người mua thay đổi ít nhưng người bán phải thay đổi nhiều. "Với tôi gần như phải xác định thay đổi toàn diện, từ cách tiếp cận giới trẻ trên kênh online tới việc đảm bảo uy tín, đổi trả, chất lượng hàng hóa. Làm sao để khách hàng sẽ quay lại chọn sản phẩm của mình nhiều lần và được đảm bảo quyền lợi khi mua hàng online", bà Lan nói.

Theo ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc Kinh doanh nền tảng dữ liệu Metric, thực tế, nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng, mua ngay trực tiếp trên nền tảng đang giải trí, nhưng có người tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá, chất lượng, mẫu mã trên các kênh bán khác nhau. Điều này sẽ kích thích thị trường chung về thương mại điện tử Việt Nam phát triển.

Điều này cũng cho thấy xu hướng bán trực tuyến không bị đảo ngược quan trọng là cách tiếp cận, tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh béo bở nhưng không dễ ăn này.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, nhận định người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu phát hiện hàng không đạt chất lượng. Đồng thời, thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số.

Trong khi đó, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử khi số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng.

Đây là cơ sở khiến nhiều người nắm bắt để kinh doanh online. Trong thế giới hiện nay, doanh nghiệp không bán hàng online sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Đừng bỏ lỡ những nội dung mới nhất!

Đăng ký để nhận thông báo về các báo cáo, webinar và bài viết hữu ích
Loading...