Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách ưu tiên phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới dẫn đến việc các tổng kho thương mại điện tử quy mô lớn của Trung Quốc đang ồ ạt mọc lên dọc biên giới Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các nhà bán hàng thương mại điện tử Việt Nam sẽ làm gì?
Hàng hóa Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam
Thay vì phải tìm đến những đơn vị vận chuyển trung gian giữa 2 nước, sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới đã mở ra cánh cửa giúp người bán Trung Quốc đổ bộ lên các sàn TMĐT dẫn đầu thị phần Việt Nam như Shopee, TikTok Shop hay Lazada.
Với hệ thống logistics vượt trội, hàng hóa vận chuyển từ quốc gia tỷ dân cũng không còn tốn nhiều ngày để đến Việt Nam mà được rút ngắn ngang với thời gian giao từ TP.HCM về Hà Nội.
Ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh tại Metric - tin rằng sự hiện diện của những kho hàng giga cận biên sẽ là cú hích kích thích quy mô TMĐT Việt Nam, đồng thời đem lại doanh thu hấp dẫn cho các nhà bán hàng nhờ việc mở rộng không gian mua sắm. Đây cũng là cơ hội để người bán Việt Nam khai thác các sản phẩm tiềm năng để đưa đến tay khách hàng quốc tế.
Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước có thể dễ dàng tiếp cận nguồn sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng lẫn giá thành. Việc cải thiện tốc độ giao hàng thông qua các tổng kho sát biên cũng là nền tảng để sản phẩm Trung Quốc xuất hiện với mật độ dày đặc hơn.
Theo công ty nghiên cứu thị trường eMaketer, xu hướng TMĐT xuyên biên giới tiếp tục bùng nổ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ước tính, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam đến năm 2026 sẽ đạt 11,1 tỷ USD và có thể trở thành ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 vào năm 2027.
Hiện nay, nền tảng phân tích dữ liệu của Metric cho thấy doanh thu TMĐT xuyên biên giới trên các sàn không quá đột biến mà chỉ tập trung vào một số ngành hàng, nhóm sản phẩm nhất định. Tuy nhiên, với những lợi thế như tốc độ giao hàng và giá thành hợp lý, chính sách hoàn trả thuận tiện, tiềm năng cạnh tranh của các nhà bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc là rất lớn.
Cạnh tranh về giá và thời gian giao hàng
Việc các tổng kho thương mại điện tử ồ ạt mọc lên sát biên giới Việt Trung cùng sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới đang khiến hàng hóa Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt.
Sự xuất hiện của các tổng kho khổng lồ sẽ tạo điều kiện để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh chóng và dễ dàng hơn. Đây là tin tốt với nhiều người mua, nhưng với những người kinh doanh online, hàng hóa Trung Quốc có thể gây ra áp lực cạnh tranh cũng như khiến thị trường TMĐT trong nước xáo trộn.
Người bán phía Trung Quốc ưu tiên số lượng nên thường hạ giá sản phẩm rất thấp, thậm chí sát giá xuất xưởng. Ví dụ cùng một kiểu dáng ví da, họ sẵn sàng bán thấp hơn chúng tôi 20-40%. Người kinh doanh không cạnh tranh nổi khi chứng kiến lợi nhuận ngày càng mỏng dần.
Một người mua hàng sống tại Hà Nội cho biết, cách đây một tuần đã đặt một đơn hàng từ Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử Shopee. Chỉ 3 ngày sau, đơn hàng đã được nhập khẩu vào Việt Nam và giao đến tay chị một ngày sau đó. Đáng nói, dù vận chuyển từ nước ngoài nhưng đơn hàng của chị chỉ có giá 15.000 đồng, sau khi áp mã giảm giá, chị được miễn phí vận chuyển.
Trong khi đó, một đơn hàng khác đặt ở một cửa hàng có địa chỉ tại Hà Nội, nhưng cũng phải mất 3 ngày hàng mới đến tay. Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Theo Thạc sĩ Đỗ Quang Huy - chuyên gia TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop - thời gian giao hàng từ các shop nước ngoài đã được thu hẹp đáng kể so với trước đây. Trái lại, hoạt động logistics trong nước vẫn thường xuyên gián đoạn do sự hạn chế về mặt công nghệ, hạ tầng. Ông khẳng định các đơn vị vận chuyển hiện nay không có sự đồng đều trong khâu vận hành. Một số đơn vị sẵn sàng ưu tiên đối tác lớn và bỏ qua người bán có quy mô nhỏ hơn, buộc họ phải mang hàng ra tận bưu cục để gửi và phát sinh thêm “thời gian chết”.
Bên cạnh đó, việc con người vẫn chiếm vị trí quan trọng trong dây chuyền giao vận cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hàng hóa bị tắc nghẽn, quá tải nếu doanh nghiệp biến động nhân sự.
Các địa phương Trung Quốc cũng đồng lòng đẩy mạnh hỗ trợ
Không chỉ chính phủ mà các địa phương Trung Quốc cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.
Huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) là cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa đất nước tỷ dân và Việt Nam. Tại khu vực này, Trung Quốc dự kiến xây dựng khu tích hợp kho bãi, chế biến xuất nhập khẩu, hậu cần hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngày 1/1/2020, giai đoạn 1 của dự án Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu) đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động, hiện có 150 công ty hoạt động trong khu này.
Theo thông tin từ Sở Thương mại và Cục Xúc tiến đầu tư tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hiện nước này đang đầu tư giai đoạn 2 của dự án tại Khu thương mại tự do thí điểm Hồng Hà.
Vị trí dự án nằm tại phía bắc huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, cách Hà Nội 295 km và cách cảng Hải Phòng 416 km. Bên cạnh đó, dự án nằm gần ga xe lửa Bắc Hà Khẩu, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa và bốc dỡ hàng, đồng thời có lợi thế về chi phí vận chuyển.
Dự án này có diện tích khoảng 85.886 m2, vốn đầu tư khoảng 250 triệu nhân dân tệ (gần 35 triệu USD). Mục tiêu đầu tư dự án là để phát triển xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại điện tử trong nước, trung tâm livestream, hậu cần và vận tải xuyên biên giới...
Sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).
Hay ở Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), cách TP Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ một con sông cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.
Liang Yinghua, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Đông Hưng cho biết TP Đông Hưng bắt đầu thành lập khu thương mại điện tử vào tháng 7/2022, theo Tân Hoa Xã.
Hiện có hơn 20 công ty thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trong thành phố. Trong đó, có hơn 200 mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm mây, mỗi tháng có khoảng 500.000 sản phẩm bán ra.
Thành phố Bằng Tường (Quảng Tây) là thành phố cảng biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng phát triển mạnh mô hình livestream bán hàng ngay tại khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường.
Theo Tân Hoa Xã, kể từ khi phát động sự kiện "lễ độc thân 11/11" năm ngoái, Công ty TNHH Thương mại điện tử Quảng Tây Liya, thuộc khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường, đã thực hiện 50 chương trình livestream/ngày, khách hàng chủ yếu từ các nước ASEAN.
Tại Quảng Châu (Trung Quốc) cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử với tổng diện tích xây dựng khoảng 44.000 m2.
Sở dĩ ngày càng nhiều kho hàng, trung tâm thương mại điện tử mọc lên sát biên giới Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN do doanh nghiệp nước này đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ cơ quan quản lý.
Không để mất chỗ đứng trên sân nhà
Trung Quốc không những nắm bắt và tự chủ được công nghệ mà còn nguồn nhân lực dồi dào, lành nghề, sáng tạo. Đây là yếu tố giúp quốc gia này có sản lượng lớn để thử nghiệm, nghiên cứu, sáng tạo và tạo ra xu hướng.
Nhìn rộng hơn, “kỳ tích logistics” của Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế của Việt Nam khi chúng ta có đến gần 1.500 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn.
Trong bối cảnh Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu, thậm chí công nghệ từ Trung Quốc, việc hàng hóa Trung Quốc thâm nhập dễ dàng và sự chuyển dịch thói quen mua hàng của người Việt Nam có thể ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất trong nước như may mặc, hàng hóa gia dụng…
Bất chấp những lợi ích trước mắt, đại diện Metric cảnh báo nếu không chịu thay đổi, các nhà bán hàng nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong nước sẽ rất dễ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.
Tận dụng lợi thế về thấu hiểu thị trường
Để không đánh mất chỗ đứng trên sân nhà, các nhà bán hàng và doanh nghiệp Việt nên tận dụng những lợi thế trong việc nắm giữ, thấu hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đồng thời dễ dàng tiếp cận với các công cụ nghiên cứu thị trường nhanh chóng tồn tại và phát triển sản phẩm của mình cho phù hợp nhất với thị hiếu của người dùng.
Các nhà bán hàng cũng cần phát triển chiến lược tiếp thị và bán hàng địa phương cụ thể để tiếp cận và thu hút khách hàng trong khu vực. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường quảng bá trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến phổ biến trong cộng đồng địa phương.
Phát triển chất lượng sản phẩm và định hướng người dùng
Nhà bán hàng trong nước cũng không thể bán hàng tràn lan như trước. Các doanh nghiệp và nhà bán hàng với sự hiểu biết về văn hóa, lối sống địa phương, cần tận dụng lực lượng KOCs/KOLs đông đảo để định hướng người dùng.
Tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình để thu hút và giữ chân khách hàng. Điều này có thể bao gồm cải thiện quy trình sản xuất, tăng cường kiểm soát chất lượng, cải thiện trải nghiệm khách hàng và cung cấp dịch vụ hậu mãi tốt.
Tìm kiếm nguồn cung ứng đa dạng
Thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc, các nhà bán hàng có thể khám phá các tùy chọn cung ứng từ các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự đa dạng về nguồn hàng.
Tối ưu hóa chi phí vận chuyển
Đối mặt với cạnh tranh từ các kho thương mại điện tử Trung Quốc, các nhà bán hàng có thể cần tối ưu hóa chi phí vận chuyển để giảm thiểu chi phí tổng cộng của sản phẩm. Điều này có thể bao gồm việc tìm kiếm các đối tác vận chuyển có giá cả hợp lý và cải thiện quy trình vận chuyển để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Nâng cao sự linh hoạt và đổi mới
Để đối phó với sự cạnh tranh từ các kho thương mại điện tử Trung Quốc, các nhà bán hàng cần linh hoạt và sẵn lòng thích nghi với thị trường địa phương. Điều này có thể bao gồm việc nhanh chóng thích ứng với thay đổi trong nhu cầu của khách hàng và phát triển sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên thực tế, người bán cũng có thể khai thác các mặt hàng thế mạnh như nông sản, thực phẩm khô, mỹ phẩm hữu cơ… hay đẩy mạnh mặt hàng dễ sản xuất ở Việt Nam.
Ngoài ra, người bán cũng nên tập trung thiết kế, phát huy thế mạnh sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt nên kết hợp tận dụng ưu điểm của nhau, cạnh tranh lành mạnh và cùng đi lên.